Chưa up ảnh

Chi tiết tin tức

“HỎI XOÁY ĐÁP XOAY” NGỮ VĂN 6 CÙNG CÔ NGUYỄN THỊ VĨNH HÀ

Mùa hè 2021, các thầy cô giáo trong cả nước đều đang dành sự quan tâm đặc biệt cho chương trình thay sách giáo khoa mới lớp 2, lớp 6. Rất nhiều vấn đề được quan tâm và chia sẻ trong các buổi tập huấn, sinh hoạt chuyên môn suốt thời gian qua. Sách giáo khoa Ngữ văn 6 – Kết nối tri thức với cuộc sống cũng nằm trong mạch quan tâm, trăn trở đó của thầy cô. Làm thế nào để chuyển hóa được bài học từ sách giáo khoa thành bài học của chính thầy cô và học trò một cách sinh động nhất mà không đi “chệch” mục tiêu? Làm thế nào để giờ học Ngữ văn thực sự đem lại cảm hứng cho cả thầy và trò?…


        Cô Nguyễn Thị Vĩnh Hà – Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường Victoria Thăng Long trong buổi chia sẻ, giao lưu và tuấn chuyên đề Ngữ Văn 6 với giáo viên trường Liên cấp Everest

Với vai trò là một Báo cáo viên của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong chương trình tập huấn sách Ngữ văn 6 mới, cô Nguyễn Thị Vĩnh Hà – Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường Victoria Thăng Long đã có nhiều buổi chia sẻ, giao lưu và tập huấn với đội ngũ giáo viên trong thành phố Hà Nội cũng như cả nước để giúp thầy cô “gỡ rối” những thắc mắc liên quan tới sách giáo khoa Ngữ văn 6 – Kết nối tri thức với cuộc sống.

Tại các buổi tập huấn và chia sẻ trực tuyến, cô Vĩnh Hà đã cùng các giáo viên “hỏi xoáy, đáp xoay” về các vấn đề xung quanh sách Ngữ văn 6 mới rất bổ ích và thú vị. Ban biên tập tổng hợp một số câu hỏi liên quan đến nội dung chương trình, các bài học, kiểm tra đánh giá,…để thầy cô cùng hiểu rõ hơn về dạy học Ngữ văn 6 mới.

Hỏi: Xin cô cho biết, phần thực hành đọc và phần đọc mở rộng trong SGK khác nhau như thế nào? Lẽ ra chỉ cần một phần là đủ, hai phần có vẻ như thừa, trùng lặp phải không ạ?

Cô Vĩnh Hà:

– Thực hành đọc không có tiết dạy trên lớp, giáo viên giao học sinh tự đọc và cũng có thể khai thác văn bản vì mục đích phù hợp: xây dựng phiếu bài tập, đề kiểm tra, đánh giá. Đọc mở rộng có tiết trên lớp, giáo viên hướng dẫn học sinh tìm đọc mở rộng văn bản theo chủ đề và thể loại phù hợp với các bài học của SGK. Lưu ý: Học sinh cũng tự đọc và giáo viên chỉ hướng dẫn học sinh đọc, chia sẻ thông tin trên cơ sở những yêu cầu cần đạt (giáo viên có thể chọn lọc).

– Thực hành đọc có văn bản cụ thể theo đúng thể loại chính của bài học, gắn với từng bài. Đọc mở rộng chỉ gợi ý chọn văn bản theo chủ đề và thể loại chứ không dẫn ngữ liệu cụ thể, để học sinh tự chọn trên cơ sở định hướng của SGK và giáo viên.

Hỏi: Thưa cô, khi soạn Thực hành Tiếng Việt, trong phần biện pháp tu từ chỉ đưa bài tập, em có thể soạn thêm để dạy phần lý thuyết về biện pháp tu từ so sánh không? (đối tượng học sinh của em là khuyết tật) hay mình chỉ hướng dẫn làm bài tập như trong sách?

Cô Vĩnh Hà: Trước khi luyện tập, có thể củng cố kiến thức. Nếu theo chương trình mới, so sánh đã học ở tiểu học nên sẽ không cần soạn thêm. Nhưng nếu năm nay, học sinh lớp 5 lên 6 vẫn theo sách và chương trình hiện hành, thầy cô có thể bổ sung nhưng chỉ cần rất đơn giản, cô đọng, đủ để học sinh nhận biết 2 vế A và B và các từ ngữ so sánh. Quan trọng là trong ví dụ cần phân biệt được so sánh thông thường (logic, không có hiệu quả tu từ) và so sánh tu từ.

Hỏi: Cô có gửi giáo án tham khảo bài “Nếu cậu muốn có một người bạn” nhưng tôi thấy giáo án dài quá, mỗi phần một mục tiêu thì giáo viên chỉ ngồi soạn đã không có thời gian nghiên cứu bài kĩ rồi.

Cô Vĩnh Hà:

– Nghiên cứu kĩ bài thì mới soạn giáo án được. Giáo án 5 trang cho 2 – 3 tiết học và đây là bài học mới thì điều này là bình thường. Tiết sau bài này là Thực hành Tiếng Việt thì giáo án cũng không quá dài.

– “Nếu cậu muốn có một người bạn” là một bài hoàn toàn mới trong chương trình nên GV  cần soạn giáo án kĩ thì mới có thể chủ động bài dạy được. Khi GV đã dạy quen rồi, thuộc giáo án rồi, Thầy Cô không cần soạn dài, chỉ ghi các hoạt động chính, nội dung chính mà thôi.

– Nói thêm về giáo án: Giáo án là sản phẩm sáng tạo của cá nhân. Trên cơ sở khung giáo án chung (các mục, chia cột) đã được thống nhất ở mỗi địa phương, mỗi nhà trường, Thầy Cô tự xây dựng “lõi” giáo án sao cho mình dễ dạy nhất. Việc soạn dài hay ngắn là do mỗi người lựa chọn, mục tiêu cuối cùng là bài học được triển khai mạch lạc, sáng rõ và tạo cảm hứng tích cực, không nặng nề với cả thầy và trò.

Hỏi: Có cần thực hiện tổng kết nội dung, nghệ thuật và ý nghĩa văn bản không ạ? (em thấy một giáo án tham khảo thì có,  giáo án thì không). Em xin cảm ơn ạ!

Cô Vĩnh Hà: Tùy từng đối tượng. Nếu HS đã giải quyết tốt các nhiệm vụ trong mạch bài học rồi thì không cần phải tổng kết. Có thể chỉ cần làm như hướng dẫn của SGV: chuyển sang phần Viết kết nối với đọc và cho HS trình bày về sản phẩm, sẽ thú vị và hiệu quả hơn. Hoặc Thầy Cô có thể tóm gọn phần tổng kết trong 1 –2 câu để dẵn dắt chuyển sang phần Viết kết nối với đọc một cách nhẹ nhàng.

Hỏi:  Ghi chép luôn là vấn đề với học trò, nhất là với lớp 6? Nếu chú trọng hoạt động quá thì dường như ảnh hưởng đến việc ghi chép và tổng kết kiến thức, học sinh khó mà nhớ được gì?

Cô Vĩnh Hà: Dạy học phát triển năng lực thì quan trọng nhất là HS đọc và hiểu, trình bày được cách hiểu của mình. Ghi nhớ không phải là mục tiêu quan trọng nhất. Các em có nhiều cơ hội để đọc và tìm hiểu tiếp các văn bản cùng thể loại, tương đồng về chủ đề và nâng cao năng lực đọc, tìm hiểu chứ không phải học thuộc những gì đã học.

Hỏi:  Tiết trả bài được bố trí ngay sau khi thực hành viết thì chúng tôi sẽ không kịp chấm, sửa bài cho học sinh (vì dạy tới 3 – 4 lớp). Vậy nếu đưa xuống sau tiết Nói và nghe thì sao?

Cô Vĩnh Hà: Nên trả bài trước Nói và nghe nếu học sinh cần dùng sản phẩm của Viết trong hoạt động Nói và nghe. Có thể bắt đầu phân bố dần các hoạt động của phần Viết sau khi đọc văn bản 1 và Thực hành tiếng Việt để kéo giãn hoạt động Viết, đảm bảo tiến độ và hiệu quả của các hoạt động.

Hỏi: Phần tìm hiểu tác giả, tác phẩm có cần phải cho phiếu bài tập để học sinh tìm hiểu không ạ?

Cô Vĩnh Hà: Phần này giáo viên nên linh hoạt các hình thức dạy học sao cho nhẹ nhàng và không cần quá tập trung vào đây vì học sinh tự đọc để nắm bắt thông tin. Đừng để phần này cản trở phần Đọc hiểu do quá sa đà, quá mất thời gian vào tìm hiểu tác giả.

Hỏi: Cách chốt ý ghi bảng các đề mục và nội dung như thế nào cho thống nhất và hợp lí ạ? Có nhất thiết phải có mục GHI BẢNG trong Kế hoạch dạy học không?

Cô Vĩnh Hà:

– Ghi bảng không nhất thiết phải đưa vào Kế hoạch dạy học. Có thể ghi theo mạch hoạt động và chốt các nội dung quan trọng theo hệ thống câu hỏi Sau khi đọc (một cách linh hoạt).

– Ghi bảng như thế nào hoàn toàn do GV chủ động tùy thuộc đối tượng HS, điều kiện và phương tiện, thiết bị dạy học. Trong điều kiện có máy chiếu hỗ trợ, GV không phải ghi bảng quá nhiều. Tuy nhiên, với các lớp học chưa đầy đủ điều kiện này thì phần ghi bảng sẽ nhiều hơn.

Hỏi: Khi ra đề thi khảo sát cho học sinh, có đưa phần Nói và nghe vào đề không? Hay trong đề thi chỉ kiểm tra kĩ năng đọc, viết thôi? Nếu đưa phần nghe nói vào đề thi thì phải thi kiểu phỏng vấn trực tiếp ạ?

Cô Vĩnh Hà: Phần nói và nghe, thầy cô không đưa vào đề thi giữa kì hay học kì. Phần đó chúng ta đánh giá quá trình học tập của học sinh.

Hỏi: Giáo viên ra đề kiểm tra có được lấy ngữ liệu từ các văn bản đọc mở rộng và có bắt buộc phải có tiết đọc mở rộng trong phân phối chương trình không ạ?

Cô Vĩnh Hà:

– Thầycô có thể lấy trong SGK hoặc ngoài SGK (tỷ lệ nên là 50% văn bản trong sách, cả văn bản 4 – Thực hành đọc và những văn bản gợi ý trong Đọc mở rộng và 50% văn bản ngoài sách – tỷ lệ này trong SBT đã có định hướng). Đề 15 phút cũng như vậy.

– Bắt buộc phải có tiết đọc mở rộng trong phân phối chương trình, kì 1 có 2 tiết, kì 2 có 2 tiết đọc mở rộng.

Hỏi: Trong phần cuối mỗi bài học đều có phần viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về một vấn đề nào đó liên quan đến bài học. Ví dụ trong bài “Chuyện cổ nước mình” có bài tập viết đoạn văn nêu cảm nhận về đoạn thơ “Đời cha ông  với đời tôi… Cho tôi nhận mặt ông cha của mình”. Đối với dạng bài tập như thế này thì yêu cầu học sinh phải viết đạt ở mức độ như thế nào ạ?

Cô Vĩnh Hà:

– Trước hết sẽ tập trung vào nội dung viết: tập trung cảm nhận các yếu tố về nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ.

– Viết là để các em có thể vận dụng một cách nhẹ nhàng, vừa sức, tránh thành nặng nề. Tiêu chí đánh giá do giáo viên dạy xây dựng trên cơ sở năng lực học sinh và phù hợp với mục tiêu, hoàn toàn linh hoạt, không áp đặt.

Hỏi: Có cách nào đơn giản, dễ thực hiện nhất để GV dạy nhẹ nhàng, học sinh hiểu bài nhanh nhất không ạ?

Cô Vĩnh Hà: Có đấy, cách sau dễ nhất là: bám sát mạch hoạt động đã thiết kế, thực hiện đúng các yêu cầu, hướng dẫn trong SGV và hiểu rõ đối tượng HS của lớp mình để vận dụng. Khi HS cầm sách giáo khoa, đọc trước bài, các em đã được làm quen với mạch hoạt động ghi trong sách. Vậy nên việc bám sát mạch đó, dạy theo mạch đó sẽ khiến HS tiếp nhận dễ dàng nhất.

BBT: Đây là năm đầu tiên triển khai Chương trình GDPT 2018 với sách giáo khoa mới lớp 6, sẽ có nhiều khó khăn, thách thức đặt ra đối với giáo viên và học sinh lớp 6. Việc trao đổi, tập huấn và chia sẻ là một kênh thông tin rất hiệu quả để các thầy cô được lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm trước thềm năm học mới. Nếu các thầy cô giáo dạy Ngữ văn THCS mong muốn được chia sẻ nhiều hơn, hãy liên hệ cô Vĩnh Hà – một nhà giáo tâm huyết luôn sẵn lòng sát cánh cùng thầy cô để dạy học Ngữ văn 6 – Kết nối tri thức với cuộc sống hiệu quả và thăng hoa nhất!

Xin trân trọng cảm ơn cô Vĩnh Hà và các thầy cô!

Bình luận